Tổng Tập Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu

Tổng tập Trần Văn Giàu
Tác giả: Trần Văn Giàu 

NXB Quân Đội Nhân Dân 2006
1879 trang

Nhân dịp Giáo sư Trần Văn Giàu tròn 95 tuổi (6-9-1911 – 6-9-2006) và kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 – 19-12-2006), NXB Quân đội Nhân dân đã ra mắt bạn đọc bộ “Tổng tập Trần Văn Giàu”.

Bộ sách dày 1.879 trang không chỉ nói về cuộc đời của một con người mà qua đó người đọc còn thấy được hành trình lịch sử của cả một dân tộc.

Bộ sách gồm hai phần. Phần I: “Chống xâm lăng” là bức tranh sống động về cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất đầy bi hùng của dân tộc. Phần II: “Miền Nam giữ vững Thành Đồng” là cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến hơn 10.000 ngày đêm chống Pháp xâm lăng lần thứ hai và cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta, đặc biệt là truyền thống bất khuất kiên cường của miền Nam “Đi trước về sau”, góp sức cho ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những trang kiến giải về Bản lĩnh Việt Nam là phần kết độc đáo cho bản Tổng tập đồ sộ này.

Có bề dày gần hai ngàn trang nhưng bộ sách lại có sức hấp dẫn rất riêng với bạn đọc bởi cách trình bày khoa học cũng như tư liệu lịch sử phong phú.

Ở phần I, tác giả phác họa “Nam kỳ kháng Pháp” với những nét về “Văn chương và Văn sĩ kháng chiến ở Nam kỳ” qua những câu truyền tụng về số văn nhân Nam kỳ nổi tiếng: “Đồng Nai có bốn rồng vàng/Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”.

Giờ đây, khi đọc lại những áng văn chương ấy, ta không thể không bừng bừng lòng ái quốc, tha thiết yêu dân, căm thù giặc, ghét cay đắng kẻ phản phúc. Ở phần “Bắc kỳ kháng Pháp” tác giả đã dày công xâu chuỗi sự kiện, phả vào đó cái nhìn khoa học để kiến giải vấn đề thời cuộc với nhiều tư liệu chính xác như: Chính phủ Pháp và triều đình phong kiến nhà Thanh (Trung Quốc) gằm ghè nhau về ảnh hưởng của mình tại Bắc kỳ. Điều này được tác giả dẫn bằng bức thư của đại sứ nhà Thanh ở Paris gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Phơ-ray-xi-nê cực lực phản đối, yêu cầu Pháp phải rút quân khỏi Bắc kỳ.

Trong phần “Miền Nam giữ vững Thành Đồng”, tác giả đã phân tích sự thành công của phong trào cách mạng miền Nam chính là “Lực lượng cách mạng nhân dân”. Ví dụ như Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là tổ chức liên minh rất chặt chẽ, thu hút được đông đảo đoàn thể tham gia, hợp thành sức mạnh tập thể. Mặt trận đã trở thành trung tâm đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước ở toàn miền Nam.

Nếu như những phần kiến giải lịch sử kể trên được viết bằng lối văn biền ngẫu, chặt chẽ thì ở phần kết của tổng tập: “Bản lĩnh Việt Nam” Giáo sư Trần Văn Giàu lại thể hiện bằng một bút pháp thâm thúy và gợi cho người đọc nhiều thú vị khiến người đọc sử bật ra những tiếng cười sảng khoái. “

…Tạo hóa vô tri đặt để Việt Nam nhỏ yếu mà trù phú ở bên cạnh người Khổng lồ và ở trên ngã ba đường thông thương quốc tế Bắc Nam Đông Tây. Ở vị trí địa lý ấy, Việt Nam khác nào món thịt ngon phơi trước mồm hổ đói, tránh sao khỏi cấu xé, lắm phen bị giẫm đạp… Trong cảnh ngộ đó, Việt Nam hoặc phải bị nghiền nát như tương, hoặc phải trở nên rắn như thép… Quyết phải làm tất cả để trở nên rắn như thép, đó là bản lĩnh Việt Nam.

Bản lĩnh này không phải dân tộc Việt Nam sinh ra đã có, mà được hình thành trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước… Những châm ngôn hết sức phổ biến để nói lên được đặc điểm của bản lĩnh Việt Nam: “Tự lực, tự cường”, “Biết đánh biết thắng”, “Lấy yếu thắng mạnh”, “Lấy trí nhân thay cường bạo”…

Bước vào tuổi 96, sống gần trọn một thế kỷ, Nhà giáo nhân dân - Anh hùng Lao động - GS Trần Văn Giàu là chứng nhân của những giai đoạn lịch sử sôi động nhất của dân tộc. Bằng trái tim nhân bản sâu sắc, nhân cách ngời ngời của người cộng sản chân chính; bằng khối óc mẫn tiệp và lối tư duy, làm việc khoa học, ông đã tích lũy được kho kiến thức phong phú, sống động để ươm mầm, sản sinh ra những tác phẩm Triết học, Sử học, Văn học đặc sắc trong kho tàng tri thức dân tộc.

Chỉ riêng lĩnh vực Sử học, Triết học luôn làm ông trăn trở để kiến giải những câu hỏi mang tầm thời đại. Đạo làm người Việt Nam là gì? Tư tưởng Việt Nam là gì? Bản lĩnh Việt Nam là gì? Bên cạnh các tác phẩm về triết học, văn học, công trình đồ sộ tái hiện lịch sử chống xâm lăng của dân tộc từ đầu thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX của ông đã trở thành một tài sản vô giá trong kho tàng tri thức dân tộc… 



Download Tổng Tập Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu.PDF
m