Lịch Sử Phật Giáo Việt nam - Lê Mạnh Thát - Trọn bộ 3 tập

Lịch Sử Phật Giáo Việt nam - Trọn bộ 3 tập
Tác giả: Lê Mạnh Thát
NXB Tổng hợp Tp.HCM 2003

Số trang: 889 + 798 + 597
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM Tập 1 -  Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế

Phật giáo tuy là một hiện tượng văn hóa nước ngoài truyền vào nước ta, đã được nhân dân tiếp thu và vận dung vào đời sống dân tộc và đóng một vai trò lịch sử nhất định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cho nên nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ môn của lịch sử dân tộc.



Kể từ ngày tác giả Phật giáo nam lai khảo và Trần văn Giáp cho công bố những thành quả nghiên cứu đầu tiên về lịch sử Phật giáo Việt Nam, bộ môn lịch sử Phật giáo Việt Nam dần dần được nhiều người chú ý và để tâm tra khảo_1. Kết quả là sự ra đời cuốn sử đầu tiên Việt Nam Phật giáo sử lược trình bày lịch sử Phật giáo từ khởi nguyên cho đến những năm đầu của thập niên 1940_2. Nó thể hiện một nổ lực tổng hợp tất cả tư liệu Phật giáo cho tới thời ấy. Tuy nhiên, do những hạn chế lịch sử về quan niệm và phương pháp luận nghiên cứu, tác giả sách này chưa triển khai hết những ưu điểm của các tư liệu và dữ kiện mà ông sở hữu.

Hơn ba mươi năm qua, dẫu có một số phát hiện đầy khởi sắc đã được công bố, vẫn chưa có một nổ lực tổng kết sơ bộ về tình hình tư liệu của một giai đoạn Phật giáo nhất định, trong giai đoạn đó. Trước năm 1975, một số sách xuất bản về lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ra đời với những mục đích khác nhau, nhưng tất cả chúng phần lớn ít có giá trị sử liệu khoa học, chỉ lập lại chủ yếu những gì mà các công trình nghiên cứu trước đã xuất bản. Thậm chí, đôi khi những tư liệu bất xác và những đánh giá sai lầm vẫn tiếp tục được sử dụng, làm cho những gì đã sai càng sai thêm. Đương nhiên, thỉnh thoảng cũng có một vài đóng góp đạt đến trình độ khoa học nào đó, song ưu điểm ấy chưa được khai thác hết.

Trước tình hình nghiên cứu trên, việc tiến hành biên tập một bộ lịch sử Phật giáo Việt nam trở nên cần thiết cho việc tìm hiểu lịch sử dân tộc ta. Để biên tập, chúng ta cần phải giải quyết một số vấn đề liên hệ đến vấn đề lập trường và phương pháp luận nghiên cứu lịch sử dân tộc, từ đó coi lịch sử Phật giáo như một bộ phận không thể tách rời lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng ta nghiên cứu lịch sử dân tộc qua những phương diện có liên hệ với Phật giáo Việt Nam. Cho nên, phương pháp của chúng tôi là phương pháp lịch sử tổng hợp, sử dụng tư liệu từ nhiều bộ môn khoa học khác nhau.

Trên cơ sở lý luận đó, chúng tôi khởi sự biên soạn bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ năm 1972. Theo chúng tôi, lịch sử Phật giáo Việt Nam có thể chia làm ba thời kỳ lớn: Thời kỳ thứ nhất, từ khởi nguyên cho đến khi Lý Bôn xưng đế lập nên Nhà nước Vạn Xuân. Thời kỳ thứ hai, bắt đầu từ lúc dòng thiền Pháp Vân ra đời cho đến cuối đời Trần. Thời kỳ thứ ba, từ đầu đời Lê tới cận đại. Mỗi một giai đoạn có mỗi nét đặc trưng và một quá trình phát triển tất yếu của nó.

Thời kỳ đầu này đánh dấu sự xuất hiện Phật giáo trên đất nước ta, cách thức tiếp thu tư tưởng và nhận thức Phật giáo của nhân dân ta. Nó sẽ cho chúng ta thấy Phật giáo đối với dân tộc ta là gì, đã có những đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và duy trì bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam như thế nào. Những vấn đề này chưa được những người nghiên cứu chú ý tra khảo đúng mức. Hy vọng tập sách này bổ khuyết một phần nào những thiếu sót mà những công trình nghiên cứu trước để lại.

Lịch sử Phật Giáo Việt nam Tập 2 - Từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054)


Trong khi chuẩn bị cho sự ra mắt của tập II của bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng tôi có nhận được một số góp ý đối với tập I được xuất bản vào cuối năm 1999. Những góp ý ấy nêu lên một số vấn đề, có thể tóm tắt thành hai chủ đề chính. Một là vấn đề phân kỳ của lịch sử Phật giáo Việt Nam, tức lịch sử Phật giáo Việt Nam có thể chia ra bao nhiêu thời kỳ và dựa trên những tiêu chí nào để tiến hành phân chia như thế. Hai là chúng tôi quan niệm ra sao về thời kỳ Hùng Vương và Phật giáo Hùng Vương, mà chúng tôi có đề cập tới.

Về chủ đề thứ nhất liên hệ với vấn đề phân kỳ lịch sử Phật giáo Việt Nam, trước đây người ta thường hay có hai lối phân kỳ. Đó là phân kỳ hteo các dòng thiền và phân kỳ theo các triều đại với một vài biến tường của nó.

Phân kỳ theo các dòng thiền là lối phân kỳ xưa nhất, tối thiểu là từ Thông Biện (?-1134), mà sau này đã được vận dụng, để viết thành một quyển sử hoàn chỉnh của phật giáo tại Việt Nam xưa nhất hiện biết. Đó là Thiền uyển tập anh hoàn thành vào năm 1337. Trong tác phẩm ấy, lịch sử Phật giáo Việt Nam được trình bày qua hai dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ kèm theo một bản thế thứ dòng thiền Thảo Đường. Đến thế kỷ thứ 18, Như Sơn cũng sử dụng phương pháp này để viết bộ Ngự chế thiền uyển thống yếu kế đăng lục vào năm 1734, trong đó trình bày lịch sử Phật giáo thiền tông một cách tổng quát theo các chiphái phát triển của nó, mà chủ yếu là phái Lâm Tế và phái Tào Động và những truyền thừa của hai phái ấy tại nước ta.

Lối này đến giữa thế kỷ thứ 19 được An Thiền sử dụng, khi ông cho in ra bộ Đại Nam thiền uyển thiền đăng tập lục vào khoảng năm 1858 gồm cả thảy năm quyển, trong đó lấy Thiền uyểntập anh làm quyển thượng, ba quyển bộ Ngự chế thiền điển thống yếu kế đăng lục làm ba quyển tiếp theo, còn quyển hạ thì do chính An Thiền viết về :”ba tổ đời Trần, hai phái Lâm Tế và Tào Động, hai phía đạo đời, làm thành một tập, cùng những ghi chú lặt vặt sách ngoài,riêng làm quyển hạ”.

Phương pháp này đến thế kỷ 20 được Trần Văn Giáp khai thác triệt để. Ông tìm được bản Thiền uyển tập anh ở Hải Phòng và lần đầu tiên lược dịch ra tiếng Pháp trong Le Bouddhisme en Annam des origines jusqu’au XIIe siècle. Trong bài này ông bổ sung thêm một số sử kiện như việc các nhà sư Việt nam đi cầu pháp ở Ấn Độ, nghiên cứu kỹ lại các nhân vật của giai đoạn Phật giáo quyền năng, mà Thông Biện có đề cập tới như Mâu bác, Khương tăng Hội, Chi Cương Lương và Ma Ha Kỳ Vực.

Cách phân kỳ thứ hai là phân kỳ theo triều đại. Đây là cách phân kỳ của Mật Thề trong Việt Nam Phật giáo sử lược. Cách phân kỳ này bám sát lịch sử chính trị của Việt Nam. Do vậy, Phật giáo đã được chia thành mấy giai đoạn :

1. Thời đại Phật giáo du nhập: Phật giáo đời Bắc thuộc

2. Phật giáo đời Hậu Lý Nam Đế và Bắc thuộc thứ ba

3. Phật giáo đời nhà Đinh và đời Tiền Lê

4. Phật giáo đời nhà Lý.

5. Phật giáo đời nhà Trần

6. Phật giáo đời nhà Hồ đến đời thuộc Minh

7. Phật giáo đời Hậu Lê

8. Phật giáo thời đại Nam Bắc phân tranh

9. Phật giáo trong thời kỳ cận đại (triều Nguyễn)

10. Phật giáo hiện đại

Cách phân kỳ này sau đó đã được hầu hết các quyển sử viết về lịch sử Phật giáoViệt Nam chấp nhận với một đôi chút gia giảm, ngay cả những quyển viết gần đây nhất. Sự gia giảm thể hiện qua nhiều cách. Họ có thể gom lại một vài triều đại với nhau, hoặc tách một thời đại ra làm hai hay ba giai đoạn để cho dễ trình bày. Chẳng hạn, người ta đã gom Phật giáo đời Lý đời Trần thành một giai đoạn và tách giai đoạn Phật giáo Nam Bắc phân tranh thành ra giai đoạn Phật giáo Nam Bắc phân tranh và giai đoạn Phật giáo thời Tây Sơn. Có cuốn sử, do thấy 1000 năm trước của Phật giáo các triều đại đều ngắn ngủi chưa rõ ràng, nên họ sử dụng phương pháp phân kỳ dòng thiền để trình bày, còn 1000 năm trở về sau, lịch sử các triều đại Việt nam rõ ràng, nên họ bám vào lịch sử các triều đại để mô tả các sự kiện Phật giáo.

Đứng trước hai lối phân kỳ vừa nói, quan điểm của chúng tôi hoàn toàn khác hẳn. Đối với cúng tôi, lịch sử là một vận động có ý thức của con người. Riêng đối với các tư trào văn hóa như Phật giáo thì lịch sử như một cuộc vận động có ý thức lại càng rõ nét hơn. Lịch sử vận động trên cơ sở tương tác của nhiều cấu trúc khác nhau, Có cấu trúc hạ tầng, có cấu trúc thượng tầng và những cấu trúc hàng ngang hàng dọc đan xen lẫn nhau, trong đó c6áu trúc hạ tầng tất nhiên giữ vai trò chủ chốt, nhưng không phải tuyệt đối. Xuất phát từ một cái nhìn như thế, quan điểm của chúng tôi là nhìn lịch sử Phật giáo như một bộ phận của cuộc vận động chung của dân tộc.

Chính cuộc vận động chung của dân tộc đó sẽ qui định sự vận động của Phật giáo như một bộ phận. Nhưng vận động của một bộ phận phải đáp ứng lại được vận động của một tổng thể. Và ngược lại. Nếu không có sự đáp ứng hai chiều này, thì vận động của bộ phận cũng như tổng thể sẽ bị phá vỡ, ngưng trệ và đi đến tan rã. Có một sự thật khi nghiên cứu lịch sử phật giáo là các triều đại có thể thay đổi, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục đi theo hướng của nó. Trong khi đó, có thể trong môt triều đại, bản thân Phật giáo có những biến động to lớn, thậm chí đi đến chỗ tan rã của một dạng Phật giáo nào đó. Trong lịch sử Việt Nam điều này càng rõ rệt hơn nữa. …




Lịch sử Phật Giáo Việt nam Tập 3 - TỪ LÝ THÁNH TÔNG (1054) ĐẾN TRẦN THÁNH TÔNG (1278)
Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập III viết về giai đoạn những người Phật giáo Việt Nam tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước sau khi đã thu hồi được độc lập. Giai đoạn này có những nét đặc trưng. Thứ nhất là sự xuất hiện của dòng thiền, mà trong đó hơn một nửa số thiền sư đắc pháp là các phật tử tại gia đang gánh vác công việc đất nước. Thứ hai, cũng chính trong giai đoạn này ta cũng sẽ tìm hiểu thái độ của người Phật giáo trong khi đất nước đang rơi vào khủng hoảng, nhà Lý đang mất dần quyền hành để cuối cùng nhường ngôi lại cho nhà Trần và vai trò của Phật giáo lúc nhà Trần xuất hiện.

Đối với tập III này , chúng tôi xin bổ sung một số thông tin cho Lịch sử Phật giáo Việt Nam II.

Về đạo tràng Bảo An, văn bia có nhan đề Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đại tràng bi văn lần đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của một tổ chức Phật giáo mang tên đạo tràng Bảo An do một người đứng đầu vùng Cửu Chân tên Lê Hầu. Tấm bia này do Kiểm hiệu Giao Chỉ quận , tán trị Nhật Nam quận thừa, tiền kiêm nội sử xá nhân Nguyên Nhân Khí người Hà Nam soạn vào năm Tùy Đại Nghiệp 14 (618). Tấm bia hiện được đưa về lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Hiện chữ đã mờ nhiều nên rất khó đọc.

Tuy nhiên, không phải đến thế kỷ XX người ta mới phát hiện tấm bia ấy. Nó đã được tìm thấy vào những thập niên đầu của thế kỷ XVIII, mà bằng chứng là bản sao văn bia do một viên chức tổng Thạch Khê huyện Đông Sơn , phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa thực hiện vào năm Vĩnh Khánh thứ ba (1731). Bản này đến năm 1962 đã được Chu Văn Liên chép lại dưới tên Tùy thời đại nghiệp bi văn, hiện lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, có ký hiệu VHv.2369. Đến giữa thế kỷ XIX, cụ thể là vào năm Thiệu Trị thứ hai (1842) , các viên chức của bốn xã Phù Liễn, Đồng Phổ, Vạn Lộc và Hữu Bộc của tổng Thạch Khê đã dựa theo văn khắc trên bia và bản sao năm Vĩnh Khánh để chép lại.

Nhờ thế, chúng ta hiện nay có thể biết được đôi nét về nội dung của văn bia này. Theo văn bia thì vào đầu thế kỷ thứ VII , người đã “tùy cơ lợi vật “ làm cho mọi người hướng về tịnh độ là một vị tên Lê Hầu. Vị họ Lê này theo bia văn là một người đã từng làm Đề đốc quân sự các châu Ái, Đức, Minh, Lợi, Hoan và giữ chức thứ sử châu Ái, được phong Mục Phong Hầu. Dáng chừng vị thứ sử họ Lê ấy đã ba đời giữ chức ấy tại Cửu Chân. Về học thuật thì đã lưu tâm đến Phật giáo, lối sống gia đình thì dùng lễ sám. Có con trưởng là Ích Từ kế nghiệp cha làm Thứ sử (?). Tuy nhiên, căn cứ vào bài minh với những câu:

Lê hoàng linh trụ

Tứ hải du đồng

Khâm minh ngự điện

Tu tạo huân nhung

Mỹ tai dục thu (mục?)

Tâm tồn thiệu long

Thì rõ ràng với những chữ Lê hoàng, tử hài du đồng thì có khả năng vị họ Lê này đã từng làm vua, làm lãnh tụ. Thực tế, dựa vào sử liệu nước ta, cụ thể là Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, vào thời gian Đại Nghiệp của Tùy Dạng Đế ta không thấy có nhà cầm quyền nào dù phía ta hay phía địch ở nước ta có tên họ Lê. Tuy nhiên, nếu đọc lại sử liệu Trung Quốc, cụ thể là Tùy thư, thì đúng là sau khi Lý Sư Lợi bị Lưu Phương dụ hàng vào năm 602, Tùy thư còn ghi nhận cuộc khởi nghĩa của Lê Xuân. Phải chăng người anh hùng Lê Xuân là vị anh hùng này của đạo tràng Bảo An. Ta ngày nay không có một chứng cớ ngoại tại nào. Song một giả thiết như thế không thể không khả hữu, đặc biệt là khi ta kết nối với sáu câu minh vừa dẫn.

Có thể là Lê Xuân, sau khi chính quyền Vạn Xuân do Lý Sư Lợi đứng đầu bị Lưu Phương phá vỡ, đã tiếp tục sự nghiệp độc lập của Lý Nam Đế. Việc những người Phật giáo vào thế kỷ ấy đứng lên giành độc lập cho đất nước là một điều khó có thể chối cãi. Ta đã thấy trườnghợp Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, những anh hùng của nhà nước Vạn Xuân hầu hết đều xuất thân từ Phật giáo. Nhất là khi Phật giáo đã trở thành một lực lượng quần chúng đông đảo thì sự nghiệp vận động độc lập không thể không dựa vào lực lượng quần chúng đông đảo ấy. Đây có thể là một chứng cớ ngoại tại khác giúp cho ta xác định và đồng nhất vị Phật tử họ Lê của đạo tràng Bảo An với lãnh tụ khởi nghĩa Lê Xuân. Dù với trường hợp nào đi nữa, thì vào đầu thế kỷ thứ VII, Ái châu đã trở thành một trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam. Với một nền Phật giáo có tổ chức kiểu như đạo tràng Bảo An, mà văn bia này nói tới, có thể vào đầu thế kỷ thứ VII, Ái châu đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nên đến cuối thế kỷ ấy và thế kỷ sau đả sản sinh ra những khuôn mặt anh tài như Đại Thừa Đăng, Trí Hành, và thượng nhân Vô Ngại . Khi bài minh dùng cụm từ “Tâm tồn thiệu long” viết về người Phật tử họ Lê này thì rõ ràng nền Phật giáo Ái châu đã có những Phật tử có tâm huyết với sự tồn vong của Phật giáo, hết lòng hết sức phát triển Chánh đạo.

Thiệu long là gọi tắt của cụm từ “thiệu long thánh chúng”, nghĩa là nối mạch giống thánh. Ý nghĩa thật rõ ràng, cụm từ này thường dùng để chỉ những người xuất gia dành trọn đời mình để phục vụ sự nghiệp duy trì và truyền bá Phật giáo. Ở đây ta lại thấy dùng cho một vị lãnh đạo thế quyền. Quan điểm phát triển Phật giáo vào thế kỷ thứ VII như thế vẫn tiếp tục truyền thống sống đạo của Phật giáo Việt Nam, mà Đạo Cao đã nêu lên. Đó là không phải đợi “ngồi thiền nơi rừng rú, làm phước bên cạnh thành”mới là Phật sự, mà ngay cả “ca hát tụng vịnh” cũng là “việc Phật”. Đây phải nói là một quan điểm hết sức phóng khoáng, tạo điều kiện cho mọi người tham gia và duy trì chánh pháp.

Một đặc điểm khác cần lưu ý của văn bia là lần đầu tiên cụm từ tịnh độ đã được sử dụng. Tư tưởng tịnh độ như thế vào đầu thế kỷ thứ VI đã được phổ biến rộng rãi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi ta nhớ rằng gần 200 năm trước Đàm Hoằng đã từ Trung Quốc đến Tiên Sơn để học lối tu tịnh độ ở Việt nam và người Phật tử họ Lê này, qua văn bia, hình như là một trong những người chủ trương tịnh độ sớm nhất mà ta biết đến của nước ta. Tư tưởng tịnh độ ở Việt Nam như vậy đã phổ biến rộng rãi trong các giới Phật tử 
tại gia. …

Download LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM Tập 1 - Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế.PDF
Download Lịch sử Phật Giáo Việt nam Tập 2 - Từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thái Tông (1054)
Download Lịch sử Phật Giáo Việt nam Tập 3 - TỪ LÝ THÁNH TÔNG (1054) ĐẾN TRẦN THÁNH TÔNG (1278)