Mùa Hè Đỏ Lửa - Phan Nhật Nam

Mùa Hè Đỏ Lửa
Tác giả: Phan Nhật Nam
NXB Tú Quỳnh Books 2008


Cách đây 34 năm, ngày 7 tháng 9 năm 1981, tại trại Lam Sơn, Thanh Hóa, Miền Bắc Việt Nam, nhà văn Phan Nhật Nam bị biệt giam lần thứ hai, trong căn hầm kín cửa dài hai thước, rộng một thước, cao ba thước, sau bốn lớp cửa gỗ bọc tôn thiếc, ngăn cách khu biệt giam với khu giam giữ tù nhân.

Nếu tính với xã hội bên ngoài, khu biệt giam này cách biệt đủ 10 cánh cửa – bằng số cửa địa ngục văn hào Dante mô tả trong The Inferno. Trong căn hầm kín này, nhà văn Phan Nhật Nam từng tự hỏi: Con người có thể đối xử với nhau như thế này hay không? Người ta có thể bị kết tội từ những chữ viết mà quả thật không hề là một đe dọa, xúc phạm đối với bất cứ ai? * Trước nỗi bi phẫn khốn cùng ấy, quả thật ông thấy được chết dễ dàng hơn phải sống – nhưng ông không hề tuyệt vọng. Người Lính trong câu chữ của Phan Nhật Nam bị bức tử từ cao nguyên, nơi cầu tàu Ðà Nẵng, trên bến phà Thuận An, Huế… Người lính đó đã bị đặt vào tình trạng bi phẫn “tự lột truồng” ngay buổi sáng này 30 Tháng Tư. Và họ – trong số đó có cả Phan Nhật Nam – nếu còn tồn tại…, thì cũng chỉ hiện hữu với trái tim hóa đá bi thảm của chính họ. Có lẽ vì thế Phan Nhật Nam khẳng định: Người Lính-Viết Văn không có một nhiệm vụ nào khác- Phải nói, viết cho đến tận cùng – Bởi Nỗi Ðau này luôn là Nỗi Ðau chung.


Mở đầu Mùa Hè Ðỏ Lửa, nhà văn Phan Nhật Nam viết: Mùa Hè, những cơn mưa bất chợt ùn ùn kéo đến, ào ạt chụp xuống núi rừng Kontum, Pleiku… Trời thoắt trở lại xanh, cao khi mưa dứt, nắng hanh vàng ấm trong không khí gây gây lạnh, những đồi cỏ xanh dọc Quốc Lộ 14 bắt đầu óng mượt, cánh cỏ non lớn dài phơi phới dưới sau trận mưa đầu mùa và thung lũng xa vàng rực hoa hướng dương. Không khí, gió, trời mây và cỏ cây thay đổi hẳn, mới mẻ toàn khối, toàn sắc, vùng cao nguyên lộng lẫy, triền miên với từng hạt nắng vàng ối tan vỡ trên đồng cỏ xôn xao gió thổi… Ðã từ lâu…Lâu lắm, người dân của ba miền đã qua những mùa hè trong cạn đáy khắc khoải để hy vọng tiếp tục đời sống với mơ ước chỉ đầy chén cơm. Nhưng mùa Hè năm nay, 1972 tất cả hy vọng và mơ ước nhỏ nhoi tội nghiệp kia tan vỡ trong tận cùng kinh ngạc. Bao năm qua, chiến tranh đã quá nặng độ, chiến tranh quá dài, dài thê thảm, dài đau đớn tràn ngập. Người dân Việt mong mỏi đi qua thêm một mùa, một năm, chiến tranh lắng dịu và được sống sót. Nhưng, 30 tháng 3 ở Ðông Hà, 24 tháng 4 ở Tân Cảnh, 7 tháng 4 ở An Lộc, 1 tháng 5 cho Huế và Quảng Trị… Hoài Ân, Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Giả, Ðất Ðỏ… Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ…Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt. Lửa ngùn ngụt. Lửa bừng bừng. Lửa kêu tiếng lớn đại pháo. Lửa lép bép nức nở thịt da người nung chín. Lửa kéo dài qua đêm. Lửa bốc khói mờ trời khi ngày sáng. Lửa gào chêm tiếng khóc của người. Lửa hốt hoảng khi cái chết chạm mặt. Lửa dậy mùi thây ma. Lửa tử khí trùng trùng giăng kín quê hương thê thảm khốn cùng.

Mùa Hè Ðỏ Lửa thuật lại cuộc chiến kinh hoàng tại Cổ Thành Quảng Trị năm 1972. Hôm nay trong những ngày gần cuốiTháng Tư, đọc lại Mùa Hè Ðỏ Lửa của Phan Nhật Nam, tưởng như vẫn nhìn thấy trên Quốc Lộ 1, hàng ngàn xe cộ, quân xa cũng như xe dân sự, đồng bào, binh sĩ chết thảm thương trong những xác xe cháy nằm la liệt khắp mặt đường, dưới ruộng. Và độc giả mới hiểu vì sao đoạn đường từ Hải Lăng về Mỹ Chánh được đặt tên là “Ðại Lộ Kinh Hoàng.”

MỤC LỤC
Chương 01 Lời tác giả
Chương 02 Charlie
Chương 03 Trận đánh trên cao điểm
Chương 04 Ngày cuối của một người
Chương 05 Đốt Charlie
Chương 06 Đốt Charlie
Chương 07 Người ở lại với Charli
Chương 08 Tạm kết giữa mùa hè
Chương 09 An Lộc
Chương 10 Địa ngục trước mặt
Chương 11 Chân dung người Giải phóng
Chương 12 Chiến trường lộ mặt
Chương 13 Trị Thiên
Chương 14 Về quê hương điêu tàn
Chương 15 Bay trong hoàng hôn
Chương 16 Dậy đường tử khí
Chương 17 Cảm giác lạ
Chương 18 Người lính Việt Nam
Chương 19 Đêm trên bờ Thạch Hãn