Lều Chõng - Ngô Tất Tố

Lều Chõng
Tác giả: Ngô Tất Tố
NXB Văn Học 2012
327 trang

GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lều chõng lần đầu tiên được đăng tải dần trên báo Thời vụ từ số 112 (21/03/1939) và sau đó được xuất bản thành sách năm 1941. Lều chõng ra đời trong đại chiến thế giới lần thứ hai, giữa lúc thực dân Pháp lại đang dấy lên phong trào phục cổ, nhằm lôi cuốn trí thức văn nghệ sĩ vào con đường thoát ly thực tế đấu tranh cách mạng…

Chủ nghĩa phục cổ kêu gọi trở lại với nền văn hoá giáo dục cũ, với những giá trị tinh thần và tôn ti trật tự của giáo lý Khổng Mạnh, với những hủ tục ở chốn hương thôn, với quan trường và đại gia đình phong kiến. Giữa cái không khí phục cổ đầy vẻ thành kính trang nghiêm và mùi hương trầm đốt lên trongc ác triều đình lăng tẩm, với màu trắng vàng son rực rỡ của hoành phi câu đối, của võng lọng, cân đai, cờ biển… thì Lều chõng ném ra một bức tranh màu xám với những đường nét tối sẫm; tác phẩm của Ngô tất Tố như một lời cải chính, hơn thế, một bản tố cáo chế độ khoa cử lỗi thời và thấp thoáng sau mỗi chương, mỗi hàng chữ là một nụ cười chế giễu, có khi là tiếng cười ra nước mắt. Viết Lều chõng, Ngô Tất Tố có ý ghi lại một thiên phóng sự về chế độ giáo dục và khoa cử mục nát dưới triều Nguyễn, đồng thời nhà văn cũng muốn miêu tả tấn bi kịch của những nhà nho có tài trong xã hội phong kiến.

Chỉ riêng trong Lều chõng, chúng ta thấy Hà Nội hiện lên với nhiều nét đẹp, người Hà Nội từ những cô hàng bán giấy bút, cho đến ông chủ quán trọ cũng đều hết sức tài hoa, lịch thiệp. thường vẫn được mô tả như là một tác phẩm có những nét tự truyện. Bởi vậy, với Lều chõng, có thể nói Ngô Tất Tố đã ghi nhận một phần những ảnh hưởng mà Hà Nội để lại trong cuộc đời những kẻ sĩ tương tự như ông. Bấy giờ mức độ xâm nhập của văn minh Tây Âu vào xã hội Việt Nam còn là hạn chế. Hà Nội chưa có vẻ sầm uất với nhiều nét sinh hoạt thị dân rõ rệt như sau này. Nhưng lên Hà Nội, lớp học trò như Đào Vân Hạc vẫn cảm thấy có gì thật thoải mái, họ dễ dàng tìm được chút tự do lặt vặt như xuống xóm cô đầu… cô đầu lúc ấy còn là một thú chơi thanh nhã hoặc thăm thú các nơi. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn: lên đây, những kẻ gọi là nhân tài các tỉnh có dịp trò chuyện, “đấu” với nhau để tự kiểm tra sức học, trình độ năng lực của mình. Riêng với Đào Vân Hạc, thì trong những dịp thi cử, chàng cảm thấy cái vô nghĩa của con đường hoan lộ mà việc học đã mở ra và chàng cả quyết sống theo lối ở ẩn giữa đời. Đấy cũng là những kết luận mà chỉ những kẻ sĩ tương đối từng trải mới có được.

Tóm lại, Lều chõng đã cho chúng ta thấy chân dung tinh thần Ngô Tất Tố như một nhà nho, để rồi từ đó ta phải hình dung ra thêm Ngô Tất Tố… nhà văn, nhà báo. Tuy nhiên, đối với quá trình tư tưởng của ông trong cả hai chặng đường này, Hà Nội vẫn có một vai trò không gì thay thế được.