Chốn Vắng (No Man's Land)
Tác giả: Dương Thu Hương
NXB Như Khanh 2009
656 trang
Dương Thu Hương nổi tiếng với các tác phẩm "Thiên Đường Mù," "Khải Hoàn Môn"... và là một trong những nhà văn được biết đến nhiều tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Từ khi bà bị giam bảy tháng tù, vào năm 1991, tác phẩm của bà không còn được xuất bản tại Việt Nam. Được sự đồng ý của tác giả, Người Việt trân trọng giới thiệu cùng độc giả tác phẩm mới nhất của nhà văn, là tiểu thuyết "Chốn Vắng." Nhà văn hiện đang sống tại Paris, và tiểu thuyết "Chốn Vắng" đã ra mắt độc giả người Pháp với tựa đề "Terre des oublis" do nhà Sabine Wespieser xuất bản; bản tiếng Anh "No Man's Land" do nhà Hyperion East xuất bản. Tại Hoa Kỳ, "Chốn Vắng" do nhà xuất bản Như Khanh hợp tác với nhà sách Tự Lực, in và phát hành.
"Chốn Vắng" có ba nhân vật chính, là Miên, Bôn và Hoan. Miên lấy Bôn trước khi Bôn lên đường vượt Trường Sơn vào Nam. Lúc chiến tranh lên cao điểm, Miên sống với Hoan. Chiến tranh chấm dứt, Miên đang hạnh phúc bên Hoan, một người tử tế, làm ăn thành công, thì Bôn trở về với thương tật, cả tâm hồn lẫn thể xác. Miên quay về với Bôn, vì nghĩa, dù chỉ tìm thấy hạnh phúc bên Hoan. "Chốn Vắng" lên án chiến tranh và xiển dương tình yêu!
Lời bạt
Sống bên Bôn, người chồng bất đắc dĩ, Miên - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Chốn vắng - "chìm đắm trong cõi riêng" của mình. Miên có chốn để "tự tại, an trú" ngay trong lòng mình, từ đó "đôi mắt chị phóng thắng vào khoảng trời riêng". Đức hạnh của Miên được "an trú" ngay trong lòng mình nên trở thành tự tĩnh bản ngã, bản thể, thường khi quá nhập tâm đến trở thành vô thức. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh những nét bền vững trong đức hạnh của Miên: "bản tính trinh nữ trường cừu", "những nét quý phái bẩm sinh"... Với đức hạnh tự tính những quyết định đạo đức được quyết bằng cái đầu của mình (chứ không phải do tuân theo người khác), nên đã quyết là hành động, đã hành động là hành động đến cùng, không giao động, ngả nghiêng. Trong tiểu thuyết, dư luận và đàm tiếu của xóm làng có sức ép ghê gớm. Miên đang sống yên vui vơi Hoan thì Bôn trở về. Cuối cùng thì Miên xách hòm trở về với Bôn, không phải vì sợ dư luận. Mà vì nghĩa. Miên là một người có nghĩa. Ở mặt này nhân vật Miên khác hẳn nhân vật Loan và những cô gái mới khác trong Tự lực văn đoàn. Cũng như mọi đức hạnh khác, nghĩa của Miên có gốc rễ bền vững. Điều này càng rõ về sau, khi thấy Bôn đau ốm và cô đơn. Miên đưa anh về nhà của mình tận tình chăm sóc, mặc dù trong công luận không hề có sự đòi hỏi này, hơn nữa, hành vi này của Miên có nguy cơ gây sự nghi ngờ ở Hoan, làm tan vỡ hạnh phúc đương chắp nối giữa hai người. Miên đã làm hết sức mình để trọn nghĩa, nhưng không phải vì vậy mà có sự chiếu cố về tình. Tuyệt đối không một sự chiếu cố nào. Chung chăn chung gối với Bôn, Miên lúc nào cũng "nằm bất động như khúc gỗ" và về sau này, Bôn được đối đãi tử tế nhưng cấm chỉ không dược bén mảng đến buồng của Miên. Trong hoàn cảnh nào thì Miên vẫn cứ là bản thân mình.
Miên trước hết trung thành với bản thân mình. trong đạo đức cổ truyền, bất trung chủ yếu được hiểu là bất trung với vua. Nhưng chính Mạnh tử đã từng hiểu bất trung với một nghĩa hoàn toàn khác: bất trung còn có nghĩa là "không trung thành" với chính mình. Cũng "nhân" đấy, "lể" đấy nhưng mình bất trung với chính mình, tức là không chân thành thì làm sao cảm hóa được người khác. (xem Mạnh tử, chương VIII, A, 28). Tội "bất trung với vua" có khi không nặng bằng "bất trung với chính mình".
Bôn thuộc một mẫu người tương phản với mẫu người của Miên. Chẳng những anh không có nơi "tự tại", "an trú" trong lòng của mình, anh còn là "kẻ ăn nhờ ở đậu ngay trong nhà của mình". Càng ngày anh càng thấm thía trạng thái côi cút. Anh nguyền rủa thảm trạng côi cút bằng những lời hằn học: "cái từ ngữ ác độc này còn dữ hơn hổ báo, độc hơn rắn rết, làm tâm hồn con người tàn lụi, tan mủn nhanh hơn hết thảy các chất cường toan...". Nguy cơ khốn đốn nhất của thân phận Bôn là bị hút vào "chốn vắng", bì rơi tõm vào "cõi không người". Có một sức mạnh huyền bí đã níu giữ Bôn lại: đó là tình đồng đội, đó là hình ảnh người tiểu đội trưởng "sống khôn chết thiêng", "gương mặt gần nhất với anh, thuộc về anh, cùng anh...", đó là Tân, Kha, Thanh, Trấn, Tương, Phiên, Trà... những tên đồng đội anh thất thanh gào lên trong cơn nguy kịch... Tình đồng đội là một trong những di sản thiêng liêng nhất mà cuộc chiếc tranh khốc liệt nhất ở Việt Nam trong thế kỷ vừa qua để lại cho nền văn hóa Việt Nam.Cốt truyện CHỐN VẮNG
Con người CS của Dương Thu Hương hoàn toàn biến mất. Trong toàn cuốn tiểu thuyết, mỗi chương đều có “Thượng đế, Trời, Phật”, dân làng Thôn Sơn tin mọi chuyện có Trời Phật sắp đặt; mỗi nhân vật chính trong truyền đều tin có Trời và Thượng Đế. Chiến tranh chống Mỹ cứu nước bây giờ là trận “nội chiến Nam Bắc”, chữ “Ngụy” biến mất. Từ đầu đến cuối truyện thành phố Sài Gòn là Sài Gòn, chữ “TP Hồ Chí Minh” không hiện hữu, Sài Gòn - Huế - Hà Nội; Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang; Sài Gòn - Đà Nẵng – Huế, một Sài Gòn muôn thuở của Việt Nam.
“Chốn Vắng” với cốt chuyện được cấu thành ở một thôn xóm vùng quê Trung Phần giống như các truyện khác của Dương Thu Hương, Thôn Sơn (Mountain Hamlet) cạnh bờ sông Nhật Lệ. Chuyện xẩy ra ngay ngày chiến tranh kết thúc năm 1975 với Miên, nhân vật nữ chánh, đẹp, ngoài 30, sống hạnh phúc với Hoan, người chồng chủ trại giầu có trong chế độ hợp tác xã và Hạnh người con trai. Một ngày từ rừng trở về nhà, Miên gặp đám đông tụ tập trước cửa, biết tin người chồng lấy nhau 14 năm trước sống chung hơn một tháng đã trở về. Người chiến sĩ anh hùng, Bôn, hân hoan “Anh đã về”, “anh đã về”. Người chồng đầu tiên nay đã trở về sau 14 năm được giấy báo tử trận. Dưới áp lực của đảng và chủ tịch ủy ban, Miên đồng ý bỏ Hoan và con để trở về với người chồng cũ, sống trong căn chòi nghèo nàn với tiền trợ cấp của Hoan. Miên phải đối diện với những dằn vặt nội tâm, những áp lực của Đảng bộ, cùng những tục lệ ngàn năm “phép vua thua lệ làng”, không tìm thấy tình yêu với Bôn, cố tránh Bôn mỗi đêm như tránh một người hoàn toàn xa lạ. Bôn trở về, cố sống một đời sống bình thường, giành lại người vợ cũ nhưng chịu thua vì sự thiếu cộng tác của Miên cùng chứng bệnh bất lực vì chất da cam, (như nhân vật Quân trong chuyện “Tiểu Thuyết Vô Đề”), “dương cờ tấn công quân thù nơi chiến trường” nhưng thua trên giường vì “không dựng được cờ”, cộng thêm chứng bệnh hôi miệng cho dù tiêu hết tiền cấp dưỡng của Hoan dành cho Miên.
Trong khi Bôn không lấy lại được tình yêu đầu thì Hoan dù bị bắt buộc xa Miên vẫn yêu vợ tha thiết. Bỏ Thôn Sơn, Hoan không tìm thấy hạnh phúc ở những thú vui thành thị, trở thành thương gia giầu có nhưng Hoan vẫn muốn trở về sống hạnh phúc ở thôn xưa dù hôn nhân đã bị ép buộc đổ vỡ sau 13 năm như “mây qua đỉnh núi”. Miên cố tránh cảnh chung sống với Bôn nhưng cuối cùng thụ thai sau đêm bạo hành khi Bôn chữa được bệnh bất lực. Không yêu Bôn, Miên tìm cách phá thai. Một hôm nàng nhẩy bổ đập bụng vào cánh cửa trước mặt Bôn. Thai không sảy, nhưng sau đó chết trong bụng mẹ, hài nhi là một quái thai do ảnh hưởng chất da cam phải giải phẫu lấy ra. Cuối cùng, bất chấp dư luận Miên trở về với Hoan và con, sống ở trang trại của Hoan nhưng vì lòng thương hại nuôi Bôn trong nhà qua người đầy tớ trung thành của Hoan, ông Lư và dì Huyến. Nhờ thế lực tiền bạc, lòng người ở Thôn Sơn thay đổi nghiêng về với Hoan. Người chiến sĩ anh hùng trong trận chiến chống Mỹ cứu nước trở nên quẫn trí, tìm cách ám sát Hoan trong một cuộc đi săn. Miên ngăn được cò súng, bị thương, mất hai ngón tay. Bôn trở thành người điên, nhìn về làng thôn, đồi núi, những mảnh vườn, đồng ruộng và bãi biển ở hướng Đông, tất cả như cảnh sa mạc, một thế giới không người.
Xu thế tình dục
Nhà văn Dương Thu Hương đã bị các nhà lãnh đạo CSVN gọi là “con đĩ phản kháng”. Văn chương “Chốn Vắng” quả thật chứa đựng đầy đủ hai đặc tính ấy, một dục tính của xã hội miền Bắc trước năm 1975 và Việt Nam quá độ xã hội chủ nghĩa sau 1975 lẫn trong văn chương chính trị phản kháng. Bên cạnh những đoạn văn đẹp tả cảnh và tình người là những bùng nổ về tình dục và dục tính của một xã hội bị đàn áp và đè nén. Văn chương Dương Thu Hương phá vỡ huyền thoại xã hội lành mạnh của chủ nghĩa CS ở miền Bắc thường được rêu rao tuyên truyền bởi Đảng và Nhà Nước trong những năm chiến tranh hầu nêu rõ sự cách biệt với văn hóa bị gọi là “đồi trụy Mỹ, Ngụy” của miền Nam. Dương Thu Hương không tránh khỏi xu thế văn chương thời đại của những nhà văn VN cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với Sex, dục tình sống sượng, từ thủ dâm đến những cách làm tình khác nhau ở khắp nơi với những ngôn ngữ chữ nghĩa diễn tả cơ quan sinh dục không cần che giấu. Từ những mối tình nên thơ như Xạ và Soan, lấy nhau vì tình yêu, Soan cố tránh mối tình môn đăng hộ đối gán ép của cha mẹ, yêu Xạ bên bờ suối, trong rừng mang thai sớm để tiến đến hôn nhân cho đến những mối tình chua chát và gán ép của Đảng sau cách mạng với những thương binh.
Những cuộc hôn nhân được thần thoại hóa bởi mầu sắc hy sinh cho Đảng và lý tưởng. Đám cưới rầm rộ như xổ số, dưới lá cờ Đảng và những hàng biểu ngữ sắp đặt cho cô Đào Thị Hiền 19 tuổi phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh, bạn của Miên. Chú rể được đặt trên xe che khắp người chỉ chừa khuôn mặt, cô dâu khám phá ra “thương binh tròn” trong đêm tân hôn cụt cả hai tay lẫn hai chân nhưng Đào Thị Hiền ngây thơ khoe với Miên một cách hồn nhiên: Bác sĩ dân tộc của Hợp Tác Xã cho biết cơ quan sinh dục của chú rể còn nguyên vẹn, một ngày Hiền “sẽ có con”.
Những đám cưới tập thể trong quân đội được tổ chức cho chiến sĩ mới vừa 17 tuổi trước khi lên đường phục vụ.
Tình dục của Bôn, một chiến sĩ anh hùng trở về nhưng bất lực, một chiến sĩ vinh quang với quá khứ ngày 17 tuổi làm tình với Miên không ngừng nghĩ mỗi đêm, với cô thôn nữ người Lào tên Thoong sau lần trung đội bị dội bom tan tành trong trận Hạ Lào. Người chiến sĩ không thể “dương cờ” trong thời bình đã chạy chữa bằng tiền cấp dưỡng của Hoan với những toa thuốc Bắc, những toa thuốc Nam cho đến toa Minh Mạng “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”, toa thuốc dê lấy từ máu, nước tiểu, xương dê hầm thành cao đều thất bại chỉ vì thiếu sự cộng tác của Miên đêm nằm quay lưng, gác tay lên trán. Đêm bạo hành, Bôn thành công nhờ lão Phiên chỉ dẫn “café đen đậm pha muối” nhưng phải chịu hậu quả tác dụng phụ liệt giường trong hơn một tháng! Văn chương khôi hài của Dương Thu Hương đối với người chiến sĩ anh hùng đổi sang chua chát với Hoan. Trước khi yêu Miên với mối tình chân thật và say đắm, Hoan là nạn nhân của mẹ Lan, phó chủ tịch hợp tác xã. Cô con gái 15 tuổi đã có thai được mẹ dàn cảnh chuốc rượu để làm tình trong một đêm say khướt cho đến những mối tình qua đường với những cô gái điếm sau khi tan vỡ với Miên. Mặt trái xã hội được phơi bày trắng trợn qua những đêm ở thành phố với Cang người bạn thân của Hoan, ngươì đã “sống như con cá trong bùn và cỏ dại ngay cả lúc mơ về một dòng nước trong”, tự tay thế thiên hành đạo trong xã hội đầy rẫy tham nhũng bẩn thỉu “cảnh sát chia tiền với những bọn mặt heo”. Cang sống không ngày mai trong xã hội đen với những hằn học khi hỏi Hoan: “Mày biết em gái tao phải bán thân với giá bao nhiêu không?”. “Nó đẹp, vừa 16 tuổi, còn trinh, đúng ngày sinh nhật phải bán thân mua thuốc chữa bệnh cho cha đúng 1/2 chỉ vàng, khách hàng là người buôn trâu bằng tuổi cha tao”.
Hoan thành công buôn bán ở thành thị, nhìn thấy “những đoàn quân nô lệ sống nhờ những đống rác, bán lông gà lông vịt, giấy, lon cũ, xã hội với những người như Thu Cúc tốt nghiệp đại học luật phải bỏ đi làm tú bà sau ngày giải phóng. Xã hội với anh hùng như Cang “yêu tiền và sung sướng khi kiếm tiền” bằng mọi cách với “Công lý là sự khác biệt giữa hai giá trị của đồng tiền”.
Cái nhìn mới về chiến tranh
“Chốn Vắng” đã đánh bại huyền thoại chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước, trình bày cho người đọc một bộ mặt thật thứ hai, bộ mặt như Nguyễn Huy Thiệp đã viết “Vinh quang nào mà không xây trên điếm nhục”. Trận Hạ Lào thường được xem là một thất bại của Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) với cuộc hành quân bí mật đã được Dương Thu Hương tả lại bộ mặt phía CS “sĩ quan và binh sĩ chỉ hiểu sơ về mục đích qua những cuộc huấn luyện khác nhau, những lớp học chính trị, ngắn và căng thẳng. Ban ngày ngủ trong bộ quân phục với vũ khí bên cạnh, cây lá nghi trang trên mũ và quần. Khi đêm vừa buông xuống, các đơn vị lên đường ngay không kèn không trống, không cả những chỉ thị rõ ràng”.
Trung đoàn của Bôn,trên ngọn đồi 327 bị bom Mỹ đánh tan tành, 880 người chỉ còn 80 sống sót. Ngọn đồi 327 trở thành một ngọn đồi trọc với xác người và diều hâu. Bôn đã trốn thoát, sống sót trong chương 14, một chương sách đầy tình người, tình đồng đội và không thù hận. Một Bôn sống sót kéo lê xác người trung sĩ chỉ huy qua cánh rừng và những ngọn đồi ở Lào. Tương tự như những truyện chiến tranh của những tác giả miền Nam VNCH, Bôn sống sót bằng cách uống nước mưa trên lá, uống bằng nước tiểu của chính mình. Chương 14 là một chương sách đẹp hùng tráng về chiến tranh, như “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” như “gĩa từ vũ khí”. Ở đây, chủ nghĩa biến mất. Con người trong cảnh khốn cùng và sắp chết chỉ thấy Trời và Thượng Đế. Hồn người trung sĩ chỉ huy của Bôn lìa khỏi xác, thành một làn khói bay lên cao, thân thể từ từ lạnh, cảnh tượng như trong cuốn phim “Ghost”.
Đoạn đối thoại giữa Bôn và hồn ma người lính VNCH cụt ngón tay trỏ là đoạn cho thấy Dương Thu Hương đã thay đổi, trở về với sự vô lý của chiến tranh. “Anh lính ơi, anh không ngủ được đêm nay, dù anh cố đếm đến một triệu. Đêm nay anh sẽ thức và nói chuyện với tôi. Tôi đợi anh ở đây lâu rồi”.
Hồn ma nói lớn “Hãy mở mắt ra, nghĩ đến chúng ta đã gặp nhau ở đâu trước đây?”... Hồn ma cười. “Sao anh quên dễ dàng - Có nhớ đồi Sao Trắng?” Hồn ma là người lính VNCH cầm mảnh vải trắng làm cờ đầu hàng nhưng vẫn bị Bôn nã súng. Bôn biện luận “chiến tranh là chiến tranh. Không ai làm chủ được mình khi viên đạn bay qua. Tôi không cảm thấy thù oán anh, nhưng Trời Đất đã bỏ quên anh ở nơi nào ở đồn canh đồi Sao Trắng. Tôi đã đối xử với anh như kẻ thù”.
Hai kẻ thù tranh luận:
“Tôi không được giúp đỡ của người Mỹ. Tôi không được tiếp tế thực phẩm khô, thịt, sữa và thuốc lá, thuốc men như anh,.”
“Nhưng về vũ khí anh có nhiều lựa chọn.”
“Đúng, nhưng nhiều khi không đủ... Đôi khi chúng tôi phải rút lui vì không đủ đạn dược. Nhất là đạn B40 và B41.
“Nhưng anh được đạn dược cả từ Nga và Trung Quốc. Làm sao thiếu?”
“Tôi không biết từ đâu đến nữa... Tôi không còn cảm thấy muốn nói chuyện về những thứ này nữa.”
Hồn ma vẫn ám ảnh và cuối cùng Bôn phải la lớn: “Đi đi, tôi không ghét anh, nhưng tôi không muốn nhìn anh nữa. Đi đi, hay tôi sẽ bắn!”
Hồn ma cười: “Đạn không thể làm thương tổn linh hồn người đã chết...”.
Cuốn tiểu thuyết “Chốn Vắng” đã bị cấm đúng vào thời điểm Hà Nội đang tiến vào bước ngoại giao mới với kẻ thù cũ, chính quyền Hà Nội được những người Việt hải ngoại trở về ca tụng sự cởi mở và tự do và ông Phan Văn Khải kêu gọi đóng cửa qúa khứ nhìn về tương lai.
Ba muơi năm, đã đến lúc những nhà lãnh đạo CSVN cần thay đổi thật lòng như nhà văn Dương Thu Hương.