AQ Chính Truyện - Lỗ Tấn

AQ Chính Truyện
Tác giả : Lỗ Tấn
NXB Văn Học 2013

379 trang
Giới thiệu:

AQ chính truyện (The True Story of Ah Q) là truyện vừa duy nhất của Lỗ Tấn (Lu Xun) được đăng tải lần đầu trên “Thần báo phó san” ở Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ 4 tháng 12, 1921 đến 12 tháng 2, 1922. Sau đó truyện được in trong tuyển tập truyện ngắn “Gào thét” (呐喊, Nahan) năm 1923 và là truyện dài nhất trong tuyển tập này.

Tác phẩm này thường được coi là một kiệt tác của Văn học Trung Quốc hiện đại; nó cũng được coi là tác phẩm đầu tiên viết bằng bạch thoại văn sau phong trào Ngũ Tứ (1919) tại Trung Quốc.

Bối cảnh lịch sử của câu chuyện là thời kỳ trước sau cách mạng Tân Hợi (1911) với những thế lực phong kiến hiện vào các tên địa chủ. Trong làng Mùi, cụ cố họ Triệu, cụ cố họ Tiền là tượng trưng cho kỷ cương, cho pháp luật, cho chân lý. Chúng nắm quyền bính trong tay. Xung quanh chúng là cả một hệ thống tay sai từ bác Khán đại diện cho chính quyền phong kiến đến Triệu Bạch Nhân, Triệu Tư Thần, thím Bảy Trần là những người bà con láng giềng có quan hệ kinh tế và huyết thống với chúng. Những người này tự đặt thông lệ để biến thành những tập quán bất di bất dịch và có hiệu lực hơn cả pháp luật nhà nước, làm cho dân làng không phân biệt được phải trái đến nỗi họ làm gì dân làng cũng cho là phải. Cụ cố Triệu tát cho A.Q một cái vào mặt thì nhất định A.Q là người có lỗi rồi, không cần bàn cãi: Thì chả lẽ cụ Cố cụ Triệu lại có lỗi được sao? Đó là một thứ uy thế tuyệt đối, địa chủ ở nông thôn lại được cơ cấu phong kiến che chở. Khi xảy ra chuyện giữa địa chủ và nông dân thì quan trên đứng về phía địa chủ đè nén nông dân.

Lỗ Tấn thấy nông dân là những người chịu khổ nhưng không phải lúc nào họ cũng chịu ép một bề. A.Q biết căm thù kẻ áp bức mình. Trong làng Mùi, y ghét nhất bọn địa chủ và con cái địa chủ. Y xem lão Tây giả, thằng cả con cụ cố họ Tiền là kẻ thù của y, hễ thấy mặt là chửi thầm trong bụng. Tuy những lý do y đưa ra để căm thù chưa đúng nhưng y đã nhìn đúng đối tượng để căm thù. Lòng căm thù bộc lộ rõ nhất là lúc phong trào cách mạng nổi lên. A.Q muốn làm cách mạng để “cách… mẹ cái mạng” của bọn địa chủ để tìm cho mình con đường sống. Sau khi A.Q chính truyện xuất bản không bao lâu, có nhà phê bình cho rằng một người lạc hậu như A.Q thì không thể nào có tinh thần cách mạng được. Nhưng Lỗ Tấn đã trả lời như sau: “Theo ý tôi, nếu Trung Quốc không làm cách mạng thì A.Q cũng chẳng bao giờ làm cách mạng, nhưng nếu Trung Quốc làm cách mạng thì thế nào A.Q cũng sẽ làm. Số mạng của chú A.Q của tôi phải thế”.

Lỗ Tấn viết tiểu thuyết không nhằm mục đích nào khác là “lôi hết bệnh tật của họ (những người bất hạnh) ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa”, nói rõ hơn là nêu nhược điểm, khuyết điểm của họ và tìm cách giác ngộ họ. Trong những “bệnh tật” của người nông dân mà Lỗ Tấn nêu ra có những bệnh tật do giai cấp thống trị mang đến cho họ, thí dụ như tư tưởng định mệnh làm cho Nhuận Thổ an phận với nỗi khổ cực của mình, như những điều mê tín dị đoan làm cho thím Tường Lâm quằn quại cho đến lúc chết hay “phương pháp thắng lợi tinh thần” lừa dối mình dối người, làm cho A.Q vẫn hể hả ngay khi người ta đem y ra pháp trường xử bắn… Nhưng có những bệnh, theo Lỗ Tấn chính nông dân có sẵn trong người họ như thái độ bàng quan, lạnh nhạt trước những nỗi bất hạnh của kẻ khác. Cùng bị áp bức bóc lột cả nhưng trước tai nạn chung họ chưa có một sự đồng tình cần phải có. Nỗi bất hạnh rơi vào đầu ai người ấy phải chịu, xung quanh vẫn có những người thờ ơ, thậm chí còn lấy làm vui. Họ theo A.Q ra tận pháp trường khi trở về không thỏa mãn bảo nhau: “Bắn người trông không vui mắt bằng chém…” và tiếc mất công toi, theo A.Q bao nhiêu đường đất mà không nghe A.Q hát lên được một câu.

Trong A.Q chính truyện, Lỗ Tấn cũng vạch trần tính chất giả dối và phản động của giai cấp tư sản lãnh đạo cuối cùng hoàn toàn do một bọn đầu cơ thao túng. Nhờ tin tức nhanh chóng, cụ Triệu biết rằng bọn cách mạng đã vào huyện đêm hôm trước. Cụ liền quất đuôi sam vòng lên đầu… qua nhà họ Tiền thăm thằng Tây giả… hẹn hò cùng nhau làm cách mạng. Chính quyền cũng rơi vào tay bọn địa chủ phong kiến và quân phiệt. Những người như A.Q không được làm cách mạng. Đời sống xã hội không chút thay đổi, A.Q cũng phải thốt lên: “Đã cách cái mạng đi rồi mà vẫn thế này thôi ư?”


Lúc đầu A.Q có thành kiến cho rằng: “Làm cách mạng tức là làm giặc, làm giặc tức là báo hại y”. Vì vậy, xưa nay y vẫn ghét cay ghét đắng bọn cách mạng! Nhưng vốn là người bị áp bức bóc lột, vốn sẵn căm thù kẻ áp bức bóc lột nên khi thấy cụ Cử ở trên huyện sợ cách mạng, phải chuyển gia sản về quê… thì y cũng hơi lấy làm “lác mắt”. Bấy giờ y mới nghĩ bụng: “Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng lũ chó đi? Ghét quá đi mất! Giận quá đi mất! và y quyết định “đầu hàng cách mạng”. Như vậy là logic cuộc sống, chứ không phải giác ngộ thực sự, mà A.Q ngả về phía cách mạng. Mặt khác, quan niệm của A.Q về cách mạng cũng hết sức mơ hồ, ấu trĩ, có chỗ lạc hậu đến nực cười. Y mới chỉ vạch ra được ranh giới giữa y và bọn cụ Cố họ Tiền, họ Triệu mà thôi. Y chưa nhận ra được rằng thằng cu D, Vương Râu Xồm cũng phải về phe với y mà làm cách mạng. Cách mạng theo quan niệm vẫn là dùng bạo lực để báo thù, “mặc áo giáp bạch, đội mũ bạch, ăn bận trắng toát một loạt để tang cho vua Sùng Chính” tức là cuộc chính biến, vương triều này lật đổ vương triều kia để lên ngôi trị vì mà thôi. Về bản chất tư tưởng của A.Q là tư tưởng cách mạng nông dân truyền thống. Cuộc cách mạng do nông dân lãnh đạo sẽ không xây dựng được “xã hội mới” như Lỗ Tấn mong ước. Đối với giai cấp nông dân, Lỗ Tấn biết chắc chắn rằng họ đòi hỏi cách mạng, tin tưởng chắc rằng họ là động lực rất quan trọng của cách mạng. Chỉ có thế.