Dù "Tam Quốc diễn nghĩa" đã quá nổi tiếng song vẫn là tác phẩm hư cấu. Một nhóm dịch giả cùng yêu thích thời đại Tam Quốc đã cùng chuyển ngữ "Tam Quốc chí" của Trần Thọ.
Đây là bộ sử liệu về thời đại Tam Quốc của Trung Quốc, được Trần Thọ biên soạn vào thế kỷ thứ ba.
Tam quốc chí chính là nền tảng để hơn 1.000 năm sau, La Quán Trung xây dựng Tam quốc diễn nghĩa - một trong "tứ đại danh tác" của văn học cổ điển Trung Quốc.
Trong khi tiểu thuyết của La Quán Trung được viết với phương pháp "bảy thực ba hư", nhân vật bị cường điệu hóa theo quan điểm "ủng Lưu phản Tào", các tình tiết được thêm thắt, xáo trộn, Tam quốc chí là một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, chân thực về tình hình biến loạn của một thời kỳ, về các mưu mô tranh bá đồ vương của các thế lực quân phiệt, nỗi thống khổ của lê dân suốt trăm năm chiến loạn.
Trong Tam quốc chí có nhiều nhân vật lịch sử không được Tam quốc diễn nghĩa nhắc đến hoặc chỉ nói thoáng qua nhưng có tác động không nhỏ đến cảnh biến loạn của thời kỳ đó.
Độc giả Dũng Phan chia sẻ cuốn sách dịch ra đời đáp ứng mong mỏi của những người mê sử Tam quốc giữa bối cảnh Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đã có ở khắp các hiệu sách. “Người yêu Tam quốc thường hay dùng câu: ‘Lấy chính sử làm xương cốt, lấy bàn luận làm da thịt, mà lấy cái lòng yêu Tam quốc diễn nghĩa làm hồn phách’. Xương cốt đó chính là cuốn sách này”.
Theo Dũng Phan, tác phẩm giúp người đọc trả lời các câu hỏi mà họ thắc mắc sau khi đọc Tam quốc diễn nghĩa, ví dụ: “Khổng Minh có đúng là thần như thế? Vì sao La Quán Trung dẫn dắt người ghét Tào Tháo nhưng người ta vẫn tôn trọng gã gian hùng này?”.
Việc biên dịch Tam quốc chí bắt đầu từ cách đây khoảng 10 năm, khởi nguồn từ thú vui của một nhóm bạn bè yêu thích thời đại Tam quốc. Sau khi dịch được khá nhiều bản thô, nhóm dịch thuật gồm Bùi Thông, Phạm Thành Long, Võ Hoàng Giang bắt đầu có ý định gom làm thành sách như một thú vui.
Khoảng cuối năm 2013, nhóm hoàn thành phần dịch thô, bắt đầu thống nhất cách thức, chú thích, cách phân đoạn, chỉnh lý ngữ nghĩa. Tác phẩm hoàn thành năm 2015.
Nhóm dịch thuật cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình dịch Tam quốc chí. Đây là một bộ cổ sử, viết bằng ngôn ngữ Hán cổ, rất khác Hán văn hiện đại. Ở Trung Quốc, các dịch giả nước này đã biên dịch thành các bản bạch thoại để phổ cập trong cộng đồng.
Khi dịch bộ sách này, ngoài bản gốc Hán văn cổ, nhóm dịch thuật phải sưu tầm rất nhiều tài liệu nói đến thời Tam quốc, các bản dịch bạch thoại... để đối chiếu. Mục tiêu của nhóm là truyền đạt đúng nội dung tác phẩm, biểu đạt ngôn ngữ chính xác, cố giữ nét văn cổ.
Bộ cổ sử có rất nhiều điển tích giải nghĩa lời nói, hành động của nhân vật hay lời bình phẩm của người viết sách về nhân vật. Điều này cũng được các dịch giả chú tâm biên dịch nhằm truyền tải nội dung ý văn đến độc giả.