"Đỉnh Cao Chói Lọi" – Dương Thu Hương (tải miễn phí)


Tải về: Đỉnh cao chói lọi – Tác giả Dương Thu Hương (4MB-PDF)

Đặng Trần Phương dịch ĐỈNH CAO CHÓI LỌI - nxb Sabine Wespieser (Pháp).

Nhà xuất bản Sabine Wespieser tại Pháp sẽ phát hành tiểu thuyết « Au zénith » của Dương Thu Hương kể từ tháng giêng 2009. Tác phẩm dầy gần 800 trang, do Đặng Trần Phương dịch, ra cùng lúc với bản tiếng Việt “Đỉnh Cao Chói Lọi” được phổ biến trên mạng Web.


Dương Thu Hương đã làm việc về cuốn sách này từ hơn 10 năm nay, và coi nó là sáng tác quan trọng nhất của mình. Như mọi lần, văn chương ở đây không thể tách rời khỏi cuộc đấu tranh chính trị của tác giả. Bà đề tặng tác phẩm cho kịch tác gia Lưu Quang Vũ và “tất cả những nạn nhân vô tội đã chết trong một sự im lặng đen tối”. Bà nói với báo chí rằng cái chết đột ngột đáng nghi của nhà soạn kịch được đông đảo quần chúng ưa chuộng đã là nguyên nhân thúc đẩy bà viết “Đỉnh Cao Chói Lọi”.

Nhân vật chính trong truyên được gọi là Ông Chủ tịch, và ai cũng có thể đoán đó là ông Hồ Chí Minh. Nhân vật đã ngoài 60 tuổi khi yêu một người đàn bà trẻ hơn mình rất nhiều. Nhưng chuyện tình không được các nhà lãnh đạo chính trị chấp nhận, vì Ông Chủ tịch phải là một biểu tượng không thể thiếu cho một chế độ đã xa rời những lý tưởng ban đầu của các nhà lãnh đạo đó. Thảm kịch ở đây vừa có tính cá nhân vừa có tính chính trị. Nó càng lớn hơn nữa khi nhân vật có thật và là một kẻ có quyền lực.

Dương Thu Hương được coi là một trong những người đối lập kiên quyết nhất với chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay. Nhưng đồng thời bà làm văn chương như tìm hơi thở, cho mình và cho người khác. Như đi vào một hành động sống còn cho bản thân mình, song song với cuộc đấu tranh cho người khác. “Đỉnh Cao Chói Lọi “ cho thấy một lần nữa: Dương Thu Hương trước hết là một nhà văn.

Hồ Chí Minh là tất cả. Hồ Chí Minh là “mã tổ”, là “Bác”, là cha già dân tộc, là một vị thánh sống… nhưng tuyệt đối không phải là một con người. Với Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh là cứu cánh cuối cùng của một bộ máy quyền lực độc tài, tàn ác, tối tăm nên việc ông có những quan hệ luyến ái và những sản phẩm tình yêu là điều tối kỵ.

Từ lâu, đã có rất nhiều người cầm bút động đến đề tài này. Lần này là Dương Thu Hương, một trong bốn nhà văn lớn của thời Đổi mới ở Việt Nam. Đỉnh cao chói lọi xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính. Nhân vật thứ nhất - Chủ tịch (Hồ Chí Minh) - Truyện đề cập đến giai đoạn 1967-1969, những nghĩ suy của ông về những gì đã qua, những năm tháng tuổi trẻ ở Paris, những gì xảy đến khi ông bị “quản thúc” trên đỉnh Lan Vu, sự bất lực của một con người khi bị những đàn em phản, và sự vô vọng trong mối tình đẹp nhất của đời ông với cô Xuân. Nhân vật thứ hai là Vũ (Vũ Kỳ), một người lương thiện, chính trực; người đã ra sức bảo vệ ông và những đưá con ông đến cùng trước những đàn áp quyền lực của đám đàn em lưu manh, đểu và tàn ác.

Truyện chưa “trọn” cho một bức tranh quá lớn mà nó đã thảo ra lúc ban đầu. Truyện động đến quá nhiều những đề tài “lớn”:

— quan hệ luyến ái của Hồ Chí Minh - điều này người ta nói đến nhiều, và chỉ riêng chủ đề này thôi đủ tốn bao nhiêu giấy mực.
— sự thất vọng và hối lỗi của việc đi theo, và thành lập chế độ cộng sản trên quê hương Việt Nam. Ở đây là sự hối hận của Hồ Chí Minh, nhưng nó chính là sự đổ vỡ chung về lý tưởng của những người đã từng đi theo cộng sản.
— quan hệ chủ tớ của cộng sản Trung Quốc và cộng sản Việt Nam, đây là một chủ đề nóng xuyên suốt, nhưng nó càng dữ dội hơn khi tranh chấp Hoàng Sa Trường Sa trở nên vấn đề tự ái dân tộc trong vài năm vừa qua.
— sự tiếm quyền của phe chủ chiến tại Bộ chính trị và quyết định dẫn đến cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc. Dương Thu Hương phớt lờ thái độ phản kháng của nhân vật Chủ tịch (Hồ Chí Minh) khi bị phe chủ chiến lấn áp. Đây là diễn giải thất vọng vì giai đoạn này Hồ Chí Minh vẫn còn đang nắm quyền lực.

Như đã nói ở trên, một trong các chủ đề lớn vừa nêu ra là đủ để có thể tạo ra một tiểu thuyết hấp dẫn. Truyện chưa sâu và đi xa trong các đoạn tả tình, tả cảnh thừa thải… Nó không thoả mãn người đọc trước một bức tranh quá lớn - thâm cung bí sử của triều đình Cộng sản Việt Nam giai đoạn quan trọng nhất thế kỷ 20, giai đoạn đưa đến những thảm kịch của cả một xã hội Việt Nam mấy mươi năm sau đó, và còn biết bao lâu nữa, cho đến ngày nó thối rửa và lỉnh mất. Dù sao, đây là một tác phẩm nên đọc.

Xin trích ra đây một đoạn đối thoại giữa nhân vật Chủ tịch (Hồ Chí Minh) và nhân vật Chủ tịch Mãn (Mao Trạch Đông)

- Từ đồng chí đã chết rồi. Cùng chết đi với nó là mọi tấn tuồng thời ấy. Giữa ta và ngươi chỉ có thể vĩnh viễn là Vương triều và Chư hầu Bách Việt mà thôi. Một hòn đá không đổi thành một lưỡi rìu cho dù người ta gọi nó như vậy. Chỉ có những kẻ ngu mới tin vào trò phù phép biến giấy trắng thành chim bồ câu. Ta tưởng ngươi khá hơn ?

- Tổ tiên tôi dạy rằng : « Bẩy mươi chưa đui chưa què chưa khoe làm tốt » Ai cũng có thể nhầm lẫn cho đến tận lúc bước tới trước cửa mồ.

- Sự khiêm tốn dù thành thực hay giả vờ đều là trò chơi của hạng người vô năng hoặc thấp cổ bé họng. Ngươi có thấy trong lịch sử một hoàng đế hùng mạnh nào phải kiêng dè trước thứ dân không ? Có thể ngươi sẽ nhắc đến vua Nghiêu, vua Thuấn. Hai cái thây ma tưởng tượng này được bầy đặt là để an ủi đám nhân sĩ giá áo túi cơm. Nghiêu Thuấn cũng giống như chủ nghĩa cộng sản. Ấy là những thứ quần áo giấy người ta đốt cho các hồn ma. Người sống không mặc được . Chúng chỉ là những đồ vật dùng chơi hay loè thiên hạ. Về phương diện là đồ chơi thì chúng hữu ích. Giống như bọn nông phu dùng cái cào cào thóc, dùng cái hái để cắt lúa, ta sử dụng những thứ đồ chơi tương thích này để lùa dân chúng vào những nơi ta muốn họ phải đến, buộc họ làm những gì ta muốn họ phải làm. Lý thuyết cộng sản tốt hơn những rừng mơ của Tào Tháo nhiều lần.

- Điều ấy tôi biết rõ, bởi ông đã từng gọi binh lính là các đồng chí hồng quân khi ông muốn làm cuộc vạn lý trường chinh. Rồi ông lại kêu gọi đám dân cày là các đồng chí nông dân, nòng cốt cách mạng, bệ phóng tương lai của đất nước… khi ông muốn lùa họ ra đồng hò hét, đánh đuổi chim sẻ như những kẻ mắc chứng tâm thần hoặc như lũ rối gỗ. Khi ông ép họ nhổ lúa, cho lợn ăn phân trâu, hoặc bỏ ruộng hoang mở lò nấu gang nấu thép, họ lại được tôn vinh là giai cấp nông dân thần thánh, là động lực tiến hoá của nhân loại. Với xảo thuật tung hứng các mỹ từ, ông đã thực hiện tất thảy những trò chơi rồ dại nhất và cũng độc ác nhất mà chưa vua chúa nào trong lịch sử dám làm. Những bài học ấy, tôi nhớ rất rõ. Bởi chính chúng tôi cũng đã từng học theo các ông và phải trả giá. Dẫu rằng cái giá ấy không quá đắt như cái giá mà nhân dân ông đã chịu.

- Nhân dân, đó là những quân cờ gỗ trong ván cờ lịch sử, việc của nó là phải hữu ích trong trò chơi. Nếu không còn dùng được thì phải ném vào lò mồi lửa.

- Vâng, điều này tôi cũng biết. Mấy chục triệu Hồng vệ binh rồi đây sẽ được dùng làm mồi cho lửa, sau khi họ hết phận sự trong trò chơi. Cả điều này nữa tôi cũng đã mường tượng ra từ lúc khởi sự cuộc cách mạng văn hoá ở phương bắc. Lịch sử Trung hoa đã thực thi nhiều lần kiểu « Dụng binh thí tốt », nhưng với quy mô của cuộc cách mạng văn hoá lần này, ông sẽ là bạo chúa vĩ đại nhất trong sử sách.

- Phi tàn bạo bất thành anh hùng. Ngươi đừng quên câu nói ấy.

- Tôi không quên. Nhưng có thể tôi bất khả. Địa vị của tôi, tôi sẽ vô cùng kinh hoảng khi thấy những cư dân của mình ăn xác chết hoặc đánh gục nhau để lấy miếng ăn…Đôi khi tôi ngờ vực, chẳng đủ can đảm để tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình : Phải chăng ông không biết rằng nông dân trong nhiều tỉnh Trung hoa đang chết đói. Ở những vùng ấy người ta ăn cỏ như trâu bò hay lợn hoang ? Các gia đình trao đổi xác chết những người thân cho nhau để khỏi ăn thịt chính kẻ đã sinh thành?

- Giống người là giống ăn thịt lẫn nhau. Điều này diễn ra thường xuyên trong lịch sử nhân loại và trên xứ sở của ta. Ngươi quên chuyện Võ Tòng do vô tình mà ăn bánh bao nhân thịt người hay sao?

- Tôi không quên, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện xảy ra từ hàng ngàn năm trước. Và con người cố gắng tranh đấu, cố gắng tiến lên là để bỏ lại cuộc sống dã man ở sau lưng mình. Ranh giới giữa sự man rợ và nền văn minh nhân loại được xác lập bởi sự huỷ bỏ thói ăn thịt người và sự loạn luân.

- Ngươi quả là tên học trò ngoan của mấy thằng gõ đầu trẻ mắt xanh mũi lõ. Bọn học trò bao giờ cũng bị mọi thứ lý luận dắt mũi đi. Ta, ta không tin ở bất cứ thứ lý luận nào, ngoài thứ lý luận do chính ta đẻ ra.

- Ông quá huyênh hoang. Ông được Sta-lin bảo trợ và nhờ sự bảo trợ đó ông lên ngôi.

- Ta được Sta-lin bảo trợ hay ta dùng gã xây bệ đặt ngôi báu cho ta như thuở xưa các vua Ai-cập dùng nô lệ xây kim tự tháp ? Hiểu theo cách nào cũng đúng. Nghệ thuật dùng lưỡi là ở chỗ này.

- Lịch sử Trung hoa sản sinh ra không thiếu những con người quỷ quyệt. Nhưng có thể ông là trường hợp đặc biệt nhất.

- Ta không nhìn lại phía sau, ta cũng chẳng nhìn lên phía trước. Ta là kẻ độc nhất vô nhị trên hành tinh này.

- Tôi đồng ý. Về sự tàn bạo và về mức độ khôi hài ông đều đứng ở đỉnh cao. Khi ông bắt nông dân ra đồng hò hét đuổi chim sẻ, khi ông buộc họ trở thành thợ luyện kim nghiệp dư, và khi ông dửng dưng nhìn họ ăn cỏ, hoặc ăn thịt lẫn nhau ông đem lại cả hai cảm giác đó cùng một lượt.

- Ta chọn sự khôi hài tàn bạo thay vì ngươi chọn sự đau đớn hèn nhát, thảm thương.

- Tôi là kẻ hèn nhát thảm thương ? Ý ông muốn nói vậy ?

- Chính thế ! Ta sẽ chỉ cho ngươi rõ ngay bây giờ : Một hoàng đế phương đông xứng đáng là hoàng đế không khóc lén khóc thầm bởi một chút máu rơi . Ngươi biết rằng ta đã vãi tinh trùng của ta trên giang sơn như dân cày vãi thóc. Ta không nhớ và ta cũng không cần nhớ là có bao nhiêu đứa bé ra đời dọc đường đi. Ta không có phận sự phải nhớ tới chúng. Kẻ khác phải lo liệu. Chỉ một điều chắc chắn là, nếu trong số những đứa bé ấy, nếu đứa nào muốn mưu phản, ta sẽ ra tay hạ gục nó mau lẹ và quả quyết hệt như khi ta đốn ngã những kẻ dự tính tiếm quyền ngoài huyết tộc. Quyền lực không dung hoà với những thứ tình cảm của lương dân.

Ông thấy gương mặt to béo kia dường như phình ra, mờ tối đi trong khoảnh khắc. Rồi nó lại trắng bạc như có ánh lân tinh. Cặp mắt nhỏ bắn ra những tia xanh đục :

- Cuộc chơi của ta chắc chắn sẽ kết thúc mĩ mãn. Rồi các ngươi sẽ có dịp mở to mắt ra mà nhìn….

Và một kết thúc như một lời nguyền… hay một hy vọng!

Tuy nhiên, kể từ ngày mồng hai tháng chín năm Kỉ Dậu, trên đỉnh trời Hà nội, luôn luôn treo lơ lửng một lưỡi gươm. Một lưỡi gươm khổng lồ, trong suốt. Người ta có thể nhìn rõ lưỡi gươm ấy vào những ngày thu, trời vắng mây, đặc biệt những ngày trời biếc xanh, xanh tinh lọc sau mưa bão hoặc sau khi cầu vồng hiển hiện. Lưỡi gươm ấy nhằm thẳng xuống cột cờ thành Hà nội, chờ đợi khoảnh khắc định mệnh để rơi xuống, chặt đứt lá cờ đỏ sao vàng, kết thúc cái chế độ phản trắc và tàn bạo, tiêu diệt loài ngạ quỷ đã cắn cổ hút máu chính dân tộc nuôi dưỡng nó.

Như thế, lời cầu khấn của chủ tịch đã được chứng giám. Vong linh thiêng liêng bất tử của các hào kiệt dựng nước và giữ nước, của các đấng tiên vương ; ngự trị từ bảy tầng mây xuống tận các vùng đất đai, rừng núi, sông hồ xứ sở ; cũng như anh linh của các chư phật đi lại cõi trời tây đều hiểu và thuận cho ước nguyện tha thiết này.

Điều còn lại chỉ là sự chờ đợi khoảnh khắc tối hậu. Khi dân tộc Việt biết rõ sự thật và hiểu được ước nguyện cuối cùng của ông.

Tải về: Đỉnh cao chói lọi – Tác giả Dương Thu Hương (4MB-PDF)