Bàn về khế ước xã hội (Du Contrat Social) - J. J. Rousseau

Bàn về khế ước xã hội (Du Contrat Social): “Bàn về khế ước xã hội” là tên gọi vắn tắt của bản luận văn lớn nhan đề “Bàn về khế ước xã hội hay là các nguyên tắc của quyền chính trị” của Jean Jacques Rousseau, xuất bản năm 1762. Cuốn sách chỉ ra định hướng xây dựng xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, là một trong những động lực tư tưởng dẫn đến cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 và được coi là “Thánh kinh chính trị” của cách mạng dân chủ.
Toàn bộ cuốn sách được chia làm 4 quyển với 48 chương. Mục đích chính của tác giả là “tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính dáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người và có chăng những luật pháp đúng với nghĩa chân thực của nó”. Để thực hiện mục đích ấy, Rousseau đã “gắn liền cái mà luật pháp cho phép với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”. Khế ước xã hội – tại sao? Xuất phát từ luận điểm: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”, Rousseau nhận thấy phương pháp duy nhất giúp con người tự bảo vệ mình là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực lượng chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, khiến mọi người đều hành động một cách hài hoà. Hình thức liên kết sức mạnh ấy chính là khế ước xã hội. Khi tham gia vào khế ước xã hội, mỗi thành viên sẽ từ bỏ quyền riêng của mình để góp hết vào quyền chung, nhưng không ai bị thiệt thòi bởi lẽ nhờ khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiên nhiên và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được, nhưng đổi lại họ thu được quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có với sự bảo đảm là sức mạnh chung của cả cộng đồng. Với khế ước xã hội, con người trải qua sự chuyển biến lớn lao từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái dân sự, trở thành người chủ thực sự của chính mình. Trên phương diện khế ước và pháp quyền, con người tuy không đồng đều nhau về thân thể và trí tuệ nhưng vẫn được hoàn toàn bình đẳng ngang nhau. Lập pháp – đỉnh cao của trí tuệ loài người Rousseau khẳng định, nguyên lý của cuộc sống chính trị nằm trong quyền uy tối cao. “Quyền lập pháp là trái tim của quốc gia, quyền hành pháp là bộ não làm cho các bộ phận hoạt động. Bộ não có lúc bị tê liệt mà người vẫn còn sống được một cách đần độn, nhưng khi trái tim ngừng đập thì con người chết ngay lập tức”. Nhà nước tồn tại không do các đạo luật mà do quyền lập pháp. Bởi vậy, ông rất đề cao quyền lập pháp trong cơ thể chính trị quốc gia. Trí tuệ lập pháp là trí tuệ của toàn dân. “Trí tuệ ấy thấy rõ mọi ham muốn của con người mà không thiên về một ham muốn nào… Trí tuệ ấy xây dựng một sự nghiệp cao cả lâu dài, có thể phải làm trong một thế kỷ và hưởng thụ ở thế kỷ sau”. Bởi vậy, theo Rousseau, người lập pháp là một người phi thường trong quốc gia về tất cả mọi phương diện; phi thường chẳng những là do thiên tài mà chính là do được sử dụng. Khi đứng ra xây dựng chế độ cho một quốc gia, người lập pháp rút đi sức mạnh vốn có trong mỗi người, rồi thay nó bằng một sức mạnh khác, sức mạnh này mỗi khi vận dụng thì phải có sự giúp đỡ của đồng loại. “Nếu mỗi công dân không là gì cả và chỉ có thể là một cái gì nhờ tất cả mọi người mà tồn tại, thì sức mạnh thu được của tất cả mọi người phải bằng hoặc lớn hơn tổng số sức mạnh tự nhiên của mọi cá nhân cộng lại”. Do đó, lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới. Tự do và bình đẳng – những giá trị làm người Mọi thể chế tốt đẹp bao giờ cũng hướng đến những mục tiêu chung cao cả, đặt con người ở vị trí trung tâm. Rousseau viết: “Nếu tìm xem điều tốt nhất cho tất cả mọi người và đỉnh cao nhất của các hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy điều đó quy gọn vào hai mục tiêu: Tự do và Bình đẳng”. Ông lập luận, phải là Tự do vì cá nhân bị mất tự do bao nhiêu thì cơ thể quốc gia giảm sút sức lực bấy nhiêu; phải là Bình đẳng vì không có bình đẳng thì không thể nào có tự do được. Tư tưởng đó của Rousseau đã mở đường cho sự phát triển tư duy xã hội của nước Pháp và sau này, cách mạng tư sản Pháp đã hô vang khẩu hiệu: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” như một mệnh lệnh để tiến lên. Tuy nhiên, tác phẩm của Rousseau cũng không tránh khỏi những hạn chế do yếu tố lịch sử. Sống trong thời điểm xã hội mà mọi tư tưởng cách tân đều bị ngăn cản, cấm đoán và truy tố từ cả Chính phủ lẫn tôn giáo pháp đình, ông vẫn chưa hình dung ra được một kiểu nhà nước dân chủ cộng hoà hiện đại không có vua. Bởi vậy, có những luận điểm của Rousseau mà người thời nay có thể cho là “ngây thơ”: “Chính phủ dân chủ thích hợp với nước nhỏ, chính phủ quý tộc thích hợp với nước trung bình và chính phủ quân chủ thích hợp với nước lớn”. Bên cạnh đó, ông cũng chưa chỉ ra được những nhân tố quyết định đến tiến trình lịch sử của mỗi quốc gia. Mặc dù vậy, “Khế ước xã hội” vẫn là một trong những đỉnh cao của tư tưởng khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Người đọc vẫn có thể tìm thấy trong tác phẩm đó những luận điểm sâu sắc và có giá trị cho ngày hôm nay.
SÁCH ĐƯỢC TẢI LÊN VÀ CHIA SẺ BỞI PBQP, TẢI VỀ CHO PC, ANDROID, IOS, WINDOWS PHONE. 
FILE PDF | FILE PRC