Gia Định Thành thông chí

Bìa Bộ Gia Định thành thông chí

Quyển sách này ghi chép rất công phu và tỉ mỉ về núi sông, khí hậu, hành chính, thành trì, cũng như về phong tục tập quán, tính cách và sinh hoạt của dân cư tại vùng đất Gia Định từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất này từ năm 1698 cho đến những năm đầu thế kỷ 19.
Gia Định hay Gia Định thành ban đầu vốn là tên gọi để dùng toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam. Cho nên bộ sách viết về cả miền Gia Định, hay Nam Bộ xưa. Nguyên bản (bản khắc gỗ) hiện nay không thấy[3], nhưng theo bản chép tay lưu tại thư viện Viện sử học Việt Nam (ký hiệu HV. 151 (1-6)) thì sách gồm toàn bộ sáu quyển, đóng làm 3 tập khổ 17x30cm, chữ hàng 8 (8 cột), mỗi hàng 21 chữ[1]. Mỗi quyển viết về một phương diện khác nhau.

Quyển I- Tinh dã chí
Gồm 6 tờ: Quyển này viết về vị trí đất Gia Định so với các vì sao theo thiên văn cổ cũng như phân tích khí hậu vùng đất này. Tác giả căn cứ vào các thiên văn chí và địa lý chí của sách, sử Trung Quốc như Chu lễ sớ, Tiền Hán thư, Đường thư, Nam Việt chí, Tinh kinh... xác định các đất Ngô, Việt và Dương Châu đối với các vì sao để suy ra vị trí của đất Gia Định về mặt thiên văn. Đào Duy Anh đánh giá phần này không có giá trị thiết thực[4],
Phần phụ về khí hậu thì có phần thiết thực hơn, mặc dù vẫn ảnh hưởng căn bản của Hán học[5].
Quyển II- Sơn xuyên chí
Gồm 90 tờ: Mô tả núi, sông Gia Định theo từng trấn:
Trấn Biên Hòa:[6]
Trấn Phiên An
Trấn Định Tường
Trấn Vĩnh Thanh
Trấn Hà Tiên
Tên các núi, sông được ghi bằng chữ Hán và chú thêm chữ Nôm, rất tiện lợi cho việc tra cứu, không như các sách địa chí từ thời Minh Mạng trở về sau chỉ chép tên dịch nghĩa bằng chữ Hán.
Quyển III- Cương vực chí
Gồm 85 tờ: Chép lịch sử khai phá vùng đất Gia Định của các chúa Nguyễn, dẫn nhiều từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, có những tài liệu độc đáo về các cuộc gặp giữa các chúa Nguyễn và các vua Cao Miên[5].
Phần sau chép về cương vực đất Gia Định và các trấn với danh sách các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, lân. Phần về trấn Hà Tiên có những tư liệu độc đáo về quan hệ với Cao Miên và Xiêm La[5].
Quyển IV- Phong tục chí
Gồm 18 tờ: Nói về các tập tục, cách ăn mặc, nhà cửa, tín ngưỡng, lễ tết, hội hè trong toàn cõi Gia Định, và những phong tục đặc sắc của mỗi trấn.
Quyển V- Vật sản chí
Gồm 25 tờ: Nói về nông sản, tình tình ruộng đất, giống lúa và hoa màu, lâm sản, thổ sản, thủy sản... của đất Gia Định.
Quyển VI- Thành trì chí
Gồm 45 tờ: Giới thiệu về vị trí, giới hạn, quy mô các thành, trấn và huyện lỵ, đồn, lũy, đền, chùa, cầu, chợ, phố xá.